Bài Pháp 21: Chơn Chánh Là Gì?
* Thầy:
– Đức Phật dạy:
“Suy từ chính mình, nếu sợ đau khổ, ghê tởm phiền não, thì đừng bao giờ làm cho người khác phiền não khổ đau! Lấy tự thân làm ví dụ, từ đó thử nghĩ xem, nếu tài sản của mình bị người khác cướp đoạt lấy, thì mình có vừa lòng không? Có thể chấp nhận được không?”
* Trò: Không thể chấp nhận được đâu ạ, bạch thầy!
* Thầy:
– Dù không thể chấp nhận được, nhưng có người mạnh hơn dùng đao trượng, khí giới… đe dọa cướp giật lấy mất của cải, thì có khổ tâm hay không khổ tâm?
* Trò: Dạ, chắc chắn là sẽ khổ tâm ạ, bạch thầy!
* Thầy:
– Vậy nếu tài sản của mình bị người khác dùng đao trượng dọa nạt lấy đi, sẽ khiến ta khổ tâm như thế nào, thì việc lấy tài sản của người khác, nghĩa là chính ta đã khiến cho người khác đau khổ phải không?
– Lấy mình làm thí dụ, và hãy nguyện trong tâm suốt đời không lấy tài sản của ai, và sẽ không dùng đao trượng dọa nạt kẻ khác các con nhé!
* Trò: Bạch Thầy vâng ạ!
* Thầy: Các con có muốn bị người khác lừa dối mình hay không?
* Trò: Bạch Thầy, dạ không muốn ạ!
* Thầy:
– Lấy bản thân làm ví dụ, suy từ mình mà các con đừng bao giờ nói dối, hay lừa đảo kẻ khác đó nhé! Bất kỳ ai hỏi thì cứ việc đúng mà trả lời. Đừng để mình phải nói lời không chân thật, cho dù mình có lỡ làm một điều gì sai quấy!
– Nếu các con có lỡ làm một điều gì sai trái dù rất nhỏ, thầy cô hoặc cha mẹ có hỏi: “Con có phạm không?” thì hãy đúng sự thật trả lời, và chịu trách nhiệm về việc mình đã làm: “Dạ, con có lỡ phạm ạ!”.
– Thầy cô hoặc cha mẹ sẽ dặn đến các con: “Lần sau đừng có phạm nữa con nhé!”
Nói không đúng sự thật – còn gọi là nói sai lời – nói dối – mọi người tuy bên ngoài tế nhị, họ không muốn phản ứng và nói ra, nhưng bên trong họ không còn xem trọng lời nói của ta nữa! Không còn tin vào lời nói của ta nữa! Ta sẽ bị mất uy tín về sau!
Tục ngữ Việt Nam có câu:
“Một lần mất tin thì vạn lần mất tín”
và
“Mua danh ba vạn bán danh ba đồng”.
Một khi các con bị mất đi niềm tin trong người khác, thì các con sẽ khó khăn, vất vả khổ sở để sống, làm việc và tồn tại trong cuộc đời này! Cuộc đời các con thường bắt đầu lao đao, găp nhiều khó khăn chướng ngại từ đây…! Bởi vì sao?
Bởi vì lời nói dối – tự nó phản hồi tâm lý – nên khiến tâm thần của các con bị tán loạn, bất an, suy yếu,…và nhất là sự thông minh sáng suốt của các con vì thế mà mau chóng suy sụp lu mờ, không còn tinh anh và khôn ngoan để nói hay làm ra nhiều điều lợi ích được nữa!
Đồng thời giá trị lời nói, niềm tin uy tín của các con nơi kẻ khác sẽ bị tổn thương, mất trọng lượng và thu hẹp lại, v.v…
Do vậy, là những bậc hiền trí của gia đình và xã hội tương lai, các con hãy cùng nhau phát nguyện, quyết tâm sống cuộc đời tỉnh thức, sáng suốt hiểu biết, trau dồi lời nói trí tuệ, tạo dựng uy tín, và nhất là không bao giờ nói lời sai sự thật, các con ghi nhớ nhé!
* Trò: Dạ vâng, chúng con ghi nhớ ạ, bạch thầy!
(Trích: Châu Ngọc Trong Ta – Thiền sư Thiện Minh)