Năm phước thiện quý báu lớn lao của Dana hợp thời, đúng lúc sẽ cho quả lành tương ứng.

 Phàm ở đời, phần đông trong chúng ta có và được khá nhiều thứ vào những lúc không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, đến khi thật sự có nhu cầu về những thứ mình muốn, thì lại không thể có được!

Ví dụ như lúc bình nhật thì có nhiều tài chánh, của dư của để. Nhưng đến lúc thật sự cần thiết, thì lại thiếu thốn, đi vay đi mượn, thậm chí có khi lại chấp nhận chịu lãi cao nữa là đằng khác, phải không? v.v…

Tuy nhiên ngược lại, ở trên đời cũng tồn tại một số ít con người, đặc biệt hầu như muốn gì có này, với mọi lúc mọi nơi, thậm chí ngay cả trong nhiều tình huống, hoàn cảnh đặc biệt tưởng chừng như không thể!

Chẳng hạn như câu chuyện “Bánh không có” được ghi lại trong Chú giải Kinh Pháp cú. Kể về phước báu thù thắng của hoàng tử Anuruddha mà khó ai có được như hoàng tử sau đây:

Tích truyện Bánh Không Có:

Thuở xưa có Hoàng tử Anuruddha [1], vốn là anh em chú bác trong hoàng tộc của Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật).

Thuở nhỏ, hoàng tử Anuruddha (A nậu lâu Đà) thường hay chơi trò đánh bạc ăn bánh với các vương tôn công tử khác, và hoàng tử thường hay bị thua nhiều, nên phải sai người hầu về cung để xin bánh của mẫu hậu.

Khi bánh hết, mẫu hậu cho người báo là:

  • Hãy nói với Hoàng tử là “bánh không có”!

Vì từ nhỏ đến lớn chưa từng nghe đến hai chữ “không có”,  nên hoàng tử bắt người hầu về thưa với mẫu hậu, cho mình thứ “bánh không có” cũng được!

Mẫu hậu nghe vậy, thầm nghĩ:

  • Nhân cơ hội này ta phải dạy con trai mình – hiểu “bánh không có” là như thế nào mới được!

Bà liền cho người lấy một cái mâm vàng, úp chiếc bát vàng khác lên và đem cho hoàng tử. Người hầu mang mâm không đến đưa cho hoàng tử.

Do phước báu đặc biệt của hoàng tử, nên các vị Chư Thiên (Chư thần) theo hộ trì, dùng phép thần thông đặt bánh vào trong đĩa bát không đó.

Do vậy, sau khi hoàng tử mở mâm ra thấy đầy ắp bánh, với mùi hương thì,… ôi! sao mà thơm phức! Hoàng tử nếm thử một miếng thì,…ôi, ngon tuyệt!

Bánh thơm ngon này, hoàng tử chưa từng được thưởng thức bao giờ! Nên nghĩ rằng, vậy mà mãi tới hôm nay mẫu hậu mới cho ăn! Mẫu hậu không thương mình chăng?

Hoàng tử đi đến gặp mẫu hậu, và trách mẫu hậu rằng, sao không thương con:

  • “Bánh không có” ngon như thế, mà tại sao xưa nay mẹ chẳng bao giờ cho con được ăn?

Mẫu hậu nghe tin này thì vô cùng sửng sốt, vì chính tận mắt bà nhìn thị nữ tuân lời – lấy cái khay không và úp cái bát không lên – Vậy mà sao lại có chuyện khi hoàng tử mở ra là có chiếc bánh thơm ngon kia!

Qua sự kiện phi thường đó, nên Bà biết được thêm rằng, đó là do phước báu đặc biệt của hoàng tử. Và vị hoàng tử này sẽ nhận nhiều ân sủng hơn là những gì tột cùng cao sang quyền quý mà hoàng gia có thể ban cho.

Từ đó về sau, cứ mỗi lần hoàng tử muốn dùng bánh, là bà chỉ cần đưa cái mâm không là hẳn nhiên bánh sẽ đầy ắp trong mâm.

Hoàng tử Anuruddha sống trong nhung lụa, được sự chăm sóc yêu thương của gia tộc và không bao giờ biết đến ý nghĩa của chữ “không có”, v.v…

Trong kinh Anguttara Nikaya Đức Phật dạy rằng:

Này chư Tỳ Kheo, ở trong đời có 5 phước thiện Dana hợp thời đúng lúc! Thế nào là Năm? Này chư tỳ kheo đó là!

  1. Phước thiện Dana thuốc men, vật thực,… đến cho người trong mùa dịch bệnh.
  2. Phước thiện Dana đến cho khách ở từ phương xa mới đến.
  3. Phước thiện Dana đến cho người chuẩn bị đi xa.
  4. Phước thiện Dana vật thực,… đến cho người khi mất mùa đói kém, thời tiết hạn hán, lũ lụt, v.v…
  5. Phước thiện Dana thuốc men, vật thực, các vật dụng, v.v… khi người mong mỏi cần đến.
  • Chẳng hạn như những hoa quả đầu mùa đến các bậc đức hạnh, có giới đức…

Các bậc Hiền Nhân, Thiện Trí hiểu biết được sự cần thiết, đúng lúc của những người nhận vật cho tặng từ phước thiện Dana: Như cho tặng đến những người nghèo khổ, cơ hàn, … với tâm từ ái thương xót chia sẻ, v.v… Nhất là những người có giới đức, có đạo đức… nên thường hoan hỷ phát tâm Dana.

Nếu phước thiện Dana hợp thời, đúng lúc, với tâm trong sạch, hoan hỷ đến các bậc đã đoạn tận phiền não (Đức Phật, các bậc Thánh nhân A La Hán,…) hoặc các bậc đang đi trên đường đến sự thành tựu Thánh nhân, thì quả lành cũng trổ hợp thời, hợp lúc thật lớn lao:

– “Được nhiều tài sản, của cải dồi dào, phú quý. Thọ hưởng được nhiều loại tài sản quý giá. Đầy đủ vật dụng tương ứng với thời gian thích hợp”.

(Ví dụ vào mùa lúa thì được nhiều lúa gạo, vào thời đại tân tiến thì được nhiều của cải máy móc hiện đại, v.v…)

Và nhất là bất luận thời gian nào, cũng có thể có được những vật dụng tài sản phát sanh – khi mà khởi tâm mong mỏi cần thiết dùng đến (hợp thời và đúng lúc vậy).

Năm phước thiện quý báu lớn lao của Dana cho quả lành tuổi thọ dài.

  1. Phước thiện Dana cho tặng, bố thí, cúng dường,… về bình lọc nước để uống.
  2. Phước thiện Dana cho tặng, bố thí, cúng dường, … thuốc trị bệnh đến người bị bệnh.
  3. Phước thiện Dana xây dựng cúng dường về chùa chiền, nhà ở, thương xá, bệnh viện, trường học, nơi ở hoặc dành cho sinh hoạt công cộng, chỗ trú nắng mưa cho khách bộ hành (nhà trọ, nhà nghĩ ven đường, chòi nghĩ chân, v.v…).
  4. Phước thiện Dana về Tu bổ, sửa sang nhà ở, chùa chiền, tháp cũ, bệnh xá, trường học, nhà nghỉ ven đường, v.v…
  5. Phước thiện Dana về Giữ gìn 5 giới (ngũ giới) trong sạch để nội tâm được bình an và sáng suốt.

Đức Phật dạy việc thực hành phước thiện Dana với năm trường hợp trên sẽ cho quả báu trỗ sanh, là người có được tuổi thọ dài lâu.

[1] Chú giải Kinh Pháp Cú.