“Con quá cung kính trước Pháp Bảo và kính phục trước Minh Tuệ siêu việt của một vị Phật. Đức Thế Tôn – Đấng Cha Lành của muôn loài. Ngài là bậc giác ngộ hoàn hảo, ánh sáng Trí tuệ của Ngài không có bất kỳ ánh sáng nào có thể so sánh được!”

 (tiếp theo  Phần 6)

Có lẽ là do phúc duyên lành của con…

Con đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Pháp Bảo của Đức Phật quá vi diệu, làm cho con rất tò mò về bước kế tiếp thực hành như thế nào? Và có khác gì so với “lời phát nguyện” về xuất nhập thiền như Thiền hơi thở AnapanaSati trước hay không? Có xả thiền trước giờ được hay không???

Nhưng thời gian không cho phép, vì khóa thiền đã gần kết thúc, nên con chọn thực hành pháp Niệm tưởng Ân Đức Phật và con vô cùng hạnh phúc khi sự lựa chọn này lại vô cùng thích hợp với con nữa!

Nếu không có những thời thiền thực hành Pháp niệm tưởng Ân Đức Phật, thì con sẽ không có được một đức tin trong sạch mãnh liệt như ngày hôm nay, hỗ trợ cho con trong cuộc sống, trên bước đường tu nhân học đạo rất là nhiều và sẽ không hiểu rõ sâu sắc được Ân Đức cao thượng của Đức Phật lớn lao dường nào.


Ánh sáng hòa cùng nước mắt…!!!

Trong thời Pháp buổi sáng ngày hôm ấy, khi được nghe Ngài Thiền Sư thuyết giảng về Ân Đức cao thượng, vô lượng vô biên của Đức Phật và những tích truyện tiền thân thiêng liêng bi hùng của Đấng Cha Lành. Khiến con không thể nào kiềm chế được niềm xúc động thâm sâu tận đáy lòng con!…

“Ôi! Khó thay, có một vị Phật ra đời!”

Arahan! Đức Phật trọn lành!

Arahan! Đức Phật trọn lành!

Arahan! Đức Phật trọn lành!

Lời niệm tưởng liên tục trong tâm về ân đức thiêng liêng của Ngài chan hòa dòng nước mắt con, cứ chảy dài không tài nào ngăn được! Có đôi lúc con như nấc lên, nghẹn ngào,… Ôi! Sao kính thương Đấng Cha Lành quá đỗi!

Vào lúc đó, hình ảnh Đức Phật đang Thiền định, hiện ra sống động trong tâm con với hào quang sáng ngời rực rỡ. Với sự hoan hỷ, từ bi, thánh thiện diệu kỳ ấy, khắc ghi mãi mãi trong tâm khảm của con vậy!

Càng tập trung niệm tưởng Ân Đức của Ngài “Arahan Đức Phật trọn lành; Arahan Đức Phật trọn lành; Arahan Đức Phật trọn lành”, thì ánh sáng càng lúc càng sáng rực rỡ cùng hòa theo hai hàng nước mắt tuôn trào của con…

Đặc biệt nhất, là khi con nhớ đến tích truyện tiền thân Đức Phật, được Ngài Thiền Sư vừa thuyết giảng:

– Khi Ngài bị vị Vua hung bạo kia chặt đứt tay chân, nhưng Ngài vẫn giữ tâm an nhiên, rải tâm từ ái đến vị vua ấy và không một chút sân hận:

“Người như ta không bao giờ sân giận! Người như ta không bao giờ sân giận! Cầu nguyện cho vị vua này hằng được an lành!”.

Cứ mỗi lần bị chặt đứt thêm một chi phần tay, hoặc chân, là Đức Bồ Tát nỗ lực kham nhẫn và giữ tâm điềm nhiên nhắc lại trong tâm của mình:

“Người như ta không bao giờ sân giận! Người như ta không bao giờ sân giận! Cầu nguyện cho vị vua này hằng được an lành!”.

Hỡi ôi! Tìm đâu ra gương lành nào thiêng liêng cao thượng hơn nữa, trong vũ trụ mênh mông này!

Ôi! Một vị Bồ Tát, một chúng sanh vì sự hạnh phúc của vô lượng chúng sanh, đã cống hiến hy sinh cao quý trong vô lượng kiếp làm người với gương lành tương tự như thế!

Khóc trong niềm hạnh phúc!

Càng niệm tưởng, lòng càng kính thương Ngài trào dâng qua tiếng nấc, cảm giác nén lòng vì thổn thức nghẹn ngào của con hòa cùng những giọt nước mắt, cứ như dòng suối nhỏ, tuôn trào lăn dài trên đôi má của con càng lúc càng nhiều hơn.

Quả thật! Làm sao có thể nói hết sự tri ân tôn kính của con đối với Đấng Từ Phụ – Người Cha cao thượng vô vạn lần của chúng sanh!

Con được biết hôm ấy, không chỉ riêng con, mà phần không ít hành giả của khóa thiền hôm đó, thậm chí ngay cả Ngài Thiền Sư khả kính của chúng con cũng phải thổn thức, ngậm ngùi, không thể ngăn chặn được những dòng lệ thánh thiện, cao quý, tôn kính, kính thương và tri ân đến Ân Đức Cha Lành Bổn Sư vô bờ, vô lượng vô biên…

Con còn nhớ, trong thời thiền đó, con hành thiền trong nước mắt,… khi nhớ đến những hạnh Ba La Mật của Ngài, nào là bố thí mắt, thân thể, tứ chi,… đến bố thí vợ con,… và tất cả…

Đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp, luân lưu trong tam giới và hoàn thành tròn đủ các hạnh Ba la mật. Ngõ hầu cứu vớt, giải thoát chúng sanh ra khỏi quy luật khổ đau miên trường của Sanh, Già, Bệnh, Chết. Với tấm lòng cao thượng của một bậc Đại Giác Ngộ – Đại Trí – Đại Bi – Đại Hùng,… . Thật không có ngôn từ nào con có thể diễn tả được…!!!

Không những chỉ có thời thiền đó, mà những thời thiền sau, khi tập trung vào câu “Arahan Đức Phật trọn lành”, trong tim con đều trào dâng một cảm xúc khó tả.

Khi đi, đứng, nằm, ngồi, con đều niệm thầm “Arahan Đức Phật trọn lành”, con cảm nhận trong tim con luôn có hình ảnh của Đức Phật. Tư thế Thiền định, khuôn mặt sáng ngời ấy như đã hằn sâu vào trong tâm trí và là nơi tôn quý nhất của lòng con vậy!


Đề mục Thiền Quán Tử Thi

Đến ngày cuối cùng, Ngài Thiền sư hướng dẫn cho hội chúng phương pháp “Quán tử thi” một phương pháp vô cùng đặc biệt được Đức Phật tán dương, nhằm để giúp các hành giả nhìn thấy rõ được sự thật của sắc thân giả tạm này, để giảm bớt đi những tâm tham muốn, ái dục.

Là nguyên nhân vô cùng lớn dẫn đến bao nghiệp chướng chất chồng,… và cũng chính là để gìn giữ bảo vệ cho những người đã đạt những kinh nghiệm hạnh phúc của Thiền khó bị hư mất!

Đúng như lời Ngài Thiền Sư chỉ dạy:

– “Nếu hành giả nào đã đạt được tâm thanh tịnh tối thiểu nhất là pháp Hỷ – Lạc do Thiền định Anapanasati đem lại, thì thực hành phương pháp này rất dễ dàng và mau chóng!”

Quả đúng như vậy, nên con nghĩ rằng do nhờ Thiền định nên con thực hành phương pháp ấy rất dễ dàng và cũng vô cùng thú vị khi hình dung ra gương mặt của một người đã chết mà con từng gặp. Con còn nhớ, khi con đang quán tưởng tới đoạn“thi thể của tử thi trương phình lên, nào là giòi bọ bò nhúc nhích,… thì bỗng nhiên thi thể ấy phát sáng”.

Con nhớ lại lời Ngài Thiền sư căn dặn:

– “Khi quán đến đoạn nào mà có ánh sáng xuất hiện thì dừng lại và tập trung nhìn vào ánh sáng ấy”.

Thật là bất khả tư nghì cho những Pháp Bảo cao quý, vô giá vì lòng bi mẫn đối với chúng sanh mà Đức Phật lưu truyền lại. Qủa là một bậc Vĩ Nhân – một bậc Đại Giác Ngộ – Đại Trí Tuệ của Trời Người.

(còn nữa)

Kính mời quý đọc giả đón đọc tiếp Phần cuối

“Bậc Thầy của những vị Thầy…”