Bài Pháp 19: Chánh Kiến và Tà Kiến Khác Nhau Như Thế Nào?

* Thầy:

– Chánh kiến và Tà kiến theo Danh từ Pãli là:

a. Micchãditthi: Thấy sai sự thật (hay còn gọi là kiến).

b. Sammãditthi: Thấy đúng sự thật (hay còn gọi là Chánh-kiến).
Trò:

– Chánh kiến nghĩa là gì ạ! Bạch thầy!

* Thầy:                   

Người hiểu về định luật nhân và quả, hay có đức tin về nghiệp và quả của nghiệp thì gọi là người có chánh kiến.

* Trò:

– Bạch thầy chúng con chưa hiểu ạ! Bạch thầy xin giảng rõ hơn cho chúng con được hiểu ạ!

* Thầy:

– Muốn biết nhiều kiến thức thì các con phải cần mẫn chăm học.

  • Cần mẫn chăm học là nhân.
  • Biết được nhiều kiến thức là quả.

– Muốn nhớ hiểu bài sâu sắc điểm cao, thì các con phải siêng năng chăm học ôn lại kỹ càng.

  • Chăm học ôn bài lại kỹ càng là nhân.
  • Nhờ đó nên: Nhớ bài được sâu sắc điểm cao là quả

Tương tự như thế:

– Muốn trở thành con ngoan, trò giỏi (là quả tốt), thì các con phải siêng năng, cần mẫn sớm hôm chăm học, vâng lời thầy cô và cha mẹ giảng dạy (là nhân tốt).

– Muốn người tốt với mình (là quả), trước phải đối xử tốt với người (là nhân).

– Thực hiện những việc làm tốt gọi là “gieo” những “nhân” tốt. Khi việc được thành tựu tốt, gọi là đạt được kết “quả” tốt.

– Nên gọi: Gieo nhân nào thì gặt quả ấy! Các em đã hiểu chưa?

* Trò:

– Dạ, dạ,… Chúng em đã hiểu rồi, nhưng cũng chưa được rõ lắm ạ!

– Kính xin thầy giảng cho chúng em vài ví dụ nữa cho được tỏ tường hơn ạ, bạch thầy!

* Thầy:

– Gieo hạt “nhân” bắp, sẽ mọc lên cây bắp và sẽ cho “quả” bắp.

– Gieo hạt “nhân” giống cây nào, sẽ mọc lên giống cây đó, và sẽ cho loại “quả” đó.

– Do chuyên cần chăm bón, và chọn lựa xử lý tốt đúng kỹ thuật là “nhân” sẽ cho kết “quả” vụ mùa bội thu, v.v…

“Mọi Kết Quả đều sinh ra từ Nguyên Nhân ban đầu của nó! Mọi mục đích (Quả), đều có lộ trình đi đến (Nhân)!”.

Do vậy, để đạt được những kết quả tốt đẹp trong đời, chúng ta cần phải tạo những nguyên nhân tốt và điều kiện tốt cần thiết của nó, v.v…

Chẳng hạn như:

– Muốn có cuộc sống an lành, tốt đẹp ngày mai (kết quả tốt). Thì ngay bây giờ chúng ta cần phải gây tạo nhân tốt. Cần phải gần gũi người tốt, bậc thiện trí để học hỏi kiến thức cách sống tốt, việc làm như thế nào cho tốt, và môi trường thích hợp,… (nhân tốt).

– Muốn tránh tai ương, phiền não (quả xấu), ta cần phải xa lánh những kẽ xấu, ác (nhân xấu).

– Muốn đạt thành “quả” trong một công việc, ta cần phải hiểu biết, siêng năng,… (nhân).

Khi đã quán triệt hiểu biết về luật vận hành về NHÂN và QUẢ này rồi, bậc Thiện Trí sẽ đi xây cho mình một tương lai tươi sáng hơn. Kết quả ngày mai, bằng tất cả những gì là Nhân tốt ngày hôm nay.

Phàm người ở đời cần có cái nhìn thực tế, công tâm, sáng suốt phân biệt rõ được đâu là điều trái lẽ phải, đâu là điều nên làm, hay không nên làm! Tất cả cần dựa trên tiến trình logic của quy luật Nhân và Quả!

Luôn hiểu rằng tất cả mọi việc đều có nguyên nhân ban đầu, và nguồn gốc của nó cả,… hiểu được như vậy gọi là người có Chánh kiến đấy các con ạ! Các con đã hiểu chưa?


* Trò:

– Dạ chúng con hiểu được rồi ạ, bạch Thầy!

– Thế còn Tà kiến nghĩa là sao ạ, bạch Thầy?

* Thầy:

Người không có đức tin về luật nhân quả như trên, không có cái nhìn trực giác vào sự thật thực tế hiện tại, họ nghĩ rằng:

1. Làm việc tốt sẽ không đem lại kết quả tốt cho mình và cho ai cả!

2. Làm việc xấu cũng không đem lại sự tai hại hay hậu quả gì cho mình và cho ai cả!

3. Họ không hiểu rõ và phân minh đâu là việc tốt, đâu là việc xấu, đâu là điều đáng làm để đem lại lợi ích an vui lâu dài cho mình và cho người… đâu là điều không đáng làm!

4. Họ không tin vào phạm trù vận hành của Nhân Quả – người có cái nhìn xa rời thực tế – hạng người này còn gọi là Tà Kiến vậy!

* Trò:

– Bạch thầy, chỗ này chúng con chưa hiểu lắm, xin thầy giảng giải thêm cho chúng con được tỏ tường hơn ạ!

* Thầy:

– Àh! Àh! Như vậy các con hãy lắng nghe nhé! Thường những hạng người này nghĩ rằng:

  • Làm những điều tốt, sống đạo đức, bố thí, giúp đỡ, cho tặng kẻ khác, cúng dường các bậc đáng cúng dường,… cũng chẳng có lợi ích chi! Hay chẳng mang lại phước phần gì về sau!
  • Dại dột gì cho, bố thí, giúp đỡ người khác! Chỉ thêm tốn tiền của chứ làm gì mà có quả phước đức?! phước lành?! Ai cho?! V.v…

Và do quan điểm như vậy, nên nếu có làm việc ác khiến người khác đau khổ cũng chẳng đem lại tai hại hay tội lỗi gì cho mình về sau!

Nói một cách khác hạng người này họ không có đức tin vào lý nhân quả báo ứng về sau – họ nghĩ rằng chết là hết – họ không tin rằng sau khi chết, sẽ có sự tiếp tục đầu thai vào kiếp sống sau – nên họ sẵn sàng làm những gì có lợi trước mắt theo lòng tham muốn của họ, và nhất là miễn sao tránh được tai mắt xã hội và lưới pháp luật,…!

Họ nghĩ rằng trên đời này chỉ có sự may mắn và hên xui ngẫu nhiên mà thôi! Hoặc nếu có tin chăng nữa, thì chỉ tin vào đấng Thần Linh nào đó, có khả năng ban phước và giáng hoạ cho sự cầu nguyện của họ mà thôi!

(Trích trong quyển sách: Châu Ngọc Trong Ta – Thiền sư Thiện Minh biên soạn)