Họ và tên: Lê Thị Thanh Thảo

Pháp danh: Hoa Hiếu

Địa chỉ: Q. Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ

 

 

             Tôi xin chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của tôi trong Khóa thiền mùa xuân Bính Thân 2016 tại chùa Tâm Thành, tỉnh Bến Tre (17/2/2016 – 7/3/2016).         

             Cảm giác đầu tiên là ngôi chùa có không gian rất yên ắng, tuy ở thôn quê nhưng các ngôi nhà gần chùa không gây tiếng ồn, ngoại trừ tiếng karaoke mỗi tối thử thách sự kiên định tâm của thiền sinh.

             Những ngày đầu vào khóa tu thật sự chúng tôi cảm thấy sốc với lịch tọa thiền phủ kín mỗi ngày từ 3h sáng thức dậy đến 21h đêm, ngoài giờ vệ sinh cá nhân và nghỉ trưa, còn lại là giờ tọa thiền và thiền hành. Vì đa số chúng tôi là những người đầu tiên tham dự khóa thiền dài ngày (20 ngày).         

             Buổi đầu tọa thiền, cảm giác đau chân, tê chân, nhức buốt xương như sắp gãy lìa chân, đau đến sắp… chết đi được, đau nhói tim – đó là những ngày đầu tập tễnh tọa thiền của tôi. Tuy nhiên có một số người đã có tu tập thiền từ 1, 2 năm … nên nhẹ nhàng hơn tôi.

             Thật sự tôi vô cùng may mắn hay đúng hơn là phước báu hạnh phúc vô cùng cho tôi có một vị Thiền sư hướng dẫn rất tâm lý, như đoán được sự khổ sở này, Sư luôn luôn sách tấn động viên rất kịp thời cho chúng tôi bằng những bài Pháp ngắn gọn nhưng đủ sức tiếp năng lượng để chúng tôi đi tiếp. Bằng cách dạy chúng tôi phát nguyện 10 phút, 20 phút ngồi không động chân (không thay đổi cách ngồi), Sư bảo đó là một cách đối diện với những khó khăn, phiền não ở đời. Chúng tôi phải cố gắng vượt qua lần đầu thì những lần sau sẽ dễ dàng hơn. Ở đây, tôi rút ra một bài học, không có sự hoàn mãn nào mà không có sự gian khó, chịu đau đớn như con tằm muốn chui ra kén, như người mẹ sinh ra một đứa con… đều phải trải qua sự đau đớn tột cùng. Lúc đó tôi chợt nhớ 2 câu thơ:

“Nếu chẳng một phen sương thắm lạnh

Hoa mai đâu nở ngát mùi hương”

             Thế là con quyết tâm cắn răng chịu đau thấu trời với hai chân tê buốt không còn cảm giác và niệm thầm “Tê à! Tê à!”, thế là nhẹ nhàng vượt qua.

             Sang ngày thứ 5, việc tọa thiền không còn dễ sợ nữa như Thiền sư nói giỡn “trung tâm hành xác” vì tụi tui than đau quá trời Sư ơi!

             Sang ngày thứ 6, 7 chúng tôi đã có người thấy Pháp (Quang tướng), có người thấy được sự hỷ lạc…. lúc này chúng tôi mới cảm nhận sự điều phục tâm mới thật sự khó, vô cùng khó. Khi vào tọa thiền tâm loạn sẽ phóng vèo vèo như tên bắn, hết nghĩ chuyện này đến chuyện khác liên tục không ngừng.

             Nhưng khi được Thiền sư hướng dẫn mọi giai đoạn sẽ đến từ từ theo từng bước Sư chỉ dẫn, bạn sẽ cảm nhận trạng thái khinh an của tâm tuyệt vời, chưa có niềm vui thế gian nào khiến tâm bạn hỷ lạc như vậy. Nó nhẹ nhàng, rỗng rang, cảm giác chỉ có trong lúc tọa thiền khi bạn đã an định được tâm an trú vào hơi thở.

             Vui nhất là khi trình Pháp, ai đó than “Sao con bị phóng tâm quá Sư ơi!” hay “Sao con bị buồn nghĩ quá Sư ơi!”, Sư bảo “Chứ bộ có mình cô phóng tâm sao? Có mình cô buồn nghĩ sao?”

             Xúc động nhất là những lúc trình Pháp, Sư tận tình chỉ dạy cho từng người, chỉ rõ từng trường hợp.

             Gian nhà thiền sinh nữ chúng tôi ngay chỗ Sư ở nên chúng tôi rất thường nghe tiếng Sư giảng Pháp, hoặc cho thiền sinh, hoặc cho khách đến viếng. Chúng tôi thấy thương Sư phụ vô cùng – một người tận tâm, tận lực, chu đáo như người cha chăm sóc đứa con mới tập đi những bước đầu tiên dễ ngã, dễ chán, dễ sợ sệt….

           Mọi cảm nhận của chúng tôi, Sư đều thấy hết và luôn luôn có những lời động viên sách tấn bằng những bài Pháp ngắn hoặc những câu chuyện từ cuộc đời lúc trẻ của Sư- là năng lượng cho chúng tôi kịp thời, đúng lúc như thể Sư có tha tâm thông. 

             Điều này rất quan trọng, chính tôi đã trải nghiệm nhất định phải làm theo đúng từng bước Sư hướng dẫn không thể đốt cháy giai đoạn. Hôm đó là ngày thứ 9 của khóa tu, tôi đã thấy được pháp hỷ lạc 2 ngày trước, đến hôm đó là ngày 26/2 tôi định xin phép Sư về nhà 2 ngày, nhưng làm sao tôi mở lời khi chưa thấy được Quang tướng! Vậy là tôi quyết tâm “không thấy không về”, tôi tọa thiền từ 9h sáng đến buổi thiền chiều 18h không ăn trưa ngồi thiền suốt hơn 8h để mong trông thấy Quang tướng! Nhưng tâm tham, tâm mong cầu làm sao định tâm được! Thế là tôi thất bại! Tuy trong lúc thiền tôi rất khỏe và tỉnh táo. Cả phòng nhao lên, tôi vẫn có thể ngồi tiếp, nhưng sợ mấy đứa em cùng phòng đi báo Sư phụ thì chết, sợ sức khỏe có sao không?

             “Vấn đề ở đây là tâm an tịnh đến đâu thì Pháp sẽ đến với mình đến đó. Đây là kinh nghiệm xương máu thưa các bạn xin nhớ cho!”

             Thật sự được tham dự khóa tu thiền này do Sư Thiện Minh (Quảng Nam) hướng dẫn là nhân duyên, là phước báu mà chúng tôi đã từng gieo ở quá khứ, như Sư thường nói “Không có quả nào mà không có cái nhân gieo từ trước”. May mắn cho tôi kiếp trước chắc từng là đệ tử của Sư phụ đây.

             Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà và buông bỏ công việc lâu như vậy – 20 ngày so với việc học một Pháp môn thì quá ngắn, quá ít ỏi. Nhưng chúng tôi lại có được sự lợi lạc và hiểu biết với sự thực tập thiền định là vô cùng to lớn.

             “20 ngày thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con! Con cảm nhận được tâm mình sẽ quyết định số phận hay cuộc đời mình. Và như Sư hay bảo với tâm được chánh niệm tinh tấn mang lại lợi ích lớn lao vô cùng hơn cả tiền bạc châu báu.  Bạn sướng hay khổ tâm bạn sẽ quyết định.” 

             Con vô cùng biết ơn và tri ân Sư, chắc không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Và, con cảm nhận là nếu con không tham sự khóa tu thiền này, con sẽ mất đi cơ hợi vô cùng quý báu để sống được an lạc và hạnh phúc thật sự. 

             Ngày mai con trở về công việc buôn bán, tối mặt với lo toan cuộc sống, nhưng con rất vững vàng, không phiền não cũng không lo sợ vì con đã có Pháp do Sư chỉ dạy và Pháp Bảo sẽ bảo hộ con vì con biết cung kính Pháp.

             Đến giờ lên nghe Sư giảng bài Pháp cuối sáng nay là lễ bế mạc, đơn giản nhưng rất đậm tình ân sư, nghĩa thầy trò chúng con không nói ra nhưng Sư đã nói thay chúng con. Kết quả tu tập của chúng con là lòng tri ân và biết ơn cao quý nhất mà chúng con dâng lên Sư. Sư phụ hiểu học trò đến thế không thể nào tụi con không bái Sư.

 

Sadhu! Sadhu! Lành thay!