Qua Rồi… Cơn Ác Mộng!…
Họ và tên: Ngô Ánh Quy
Sinh năm: 1992
Sđt: 0778414786
Đã từng học tại trường: ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng
Email: anhquyspeaker92@gmail.com
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch Ngài Thiền Sư!
Kính thưa cùng toàn thể quý hành giả!
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, con có thêm ngày nữa để yêu thương”.
Khoảnh khắc này đây, con sướng vui, con hiện hữu, tỉnh thức, không mê mờ, không lầm lạc. Không còn nữa nỗi ám ảnh quá khứ, những ảo tưởng tương lai. Dục vọng, sân hận, tham lam, bi ai, ghanh ghét, đố kị, sự đói khát, lầm than, tất thảy như bóp nghẹt, thiêu đốt con.
Kiếp sống trần gian chẳng khác chi địa ngục. Trong cơn mê, con giật mình tỉnh giấc: “Than ôi! Ta chỉ mơ một phút thật bình yên, để thôi bớt những não phiền cuộc sống!”.
Đã xa rồi, hơn hai năm về trước, sự vô vọng, bơ vơ đến tột cùng. Ấy vậy mà,… Đến đây, con chợt nghẹn ngào!.
Thật vâng, thưa Đại Đức! Không một ngôn ngữ nào có thể lột tả sự tri ân và lòng tôn kính của con đến Người – Bậc Đạo Sư đã dẫn lối về nguồn, cho con đến với ánh sáng an tịnh của chơn tâm! Sự nhiệt thành của Người, đem hết thân tâm phụng sự vì chúng sanh, là tấm gương sáng để chúng con hành theo.
Kính bạch Đại Đức!
“Khi con dừng lại bước đi của dục vọng,
thì sẽ bước trên con đường của từ ái và yêu thương!”
Quả như lời dạy, khi con an trú trong ánh sáng thì bóng tối, vực thẳm tiêu tan. Không gì có thể lấy đi sự an vui của con. Lại nữa, nhờ nương vào oai lực của Tam quy, Ngũ giới và hành thiền nên càng ngày con càng giác ngộ về lời dạy Đấng Cha Lành của muôn loài:
“Thiền định là nơi hướng về, nơi nương tựa, nâng đỡ
để thành tựu hầu hết tất cả những phước lành quý báu trong thế gian”.
Có thể nói khóa thiền IV (tại Green Forever Resort, tỉnh Bến Tre) là tiếng trống khai căn, khơi dậy trong con hạt giống bồ đề Tâm mạnh mẽ, trước những biến hóa thăng trầm của cuộc đời.
Kể từ đó, con như được hồi sinh, cảm nhận một nguồn sinh lực bất tận tiềm tàng trong tâm thức mình!
Con muốn được sống để cống hiến và yêu thương. Từ tình yêu quê hương, gia đình, người thân, đến những người bạn hiền thiện, nhưng trên cả là sự tỉnh ngộ trong con! Tình yêu đối với bản thân, bởi lẽ hành trình con đang bước đi là “Đạo lộ tìm về chính mình”, hiểu được ý nghĩa của sinh mệnh.
Như những lời dạy của Thế Tôn:
“Tự mình là vị cứu tinh
Tự mình nương tựa vào mình tốt thay
Nào ai cứu được mình đây
Tự mình điều phục hằng ngày cho chuyên…”
Hai chữ ‘tự mình’ cứ văng vẳng, dần dà càng rõ sâu trong tâm thức. Cứ mỗi lần phiền não dấy khởi, như một phản xạ tự nhiên: “Ồ, ta đã sân rồi! Điều gì đang dẫn dắt ta, nó từ đâu sanh khởi và bằng cách nào ta mới tận diệt được chúng?”.
Thật tuyệt diệu thay, “Không gì khác có thể mang lại những lợi ích lớn lao, hạnh phúc vô cùng tận bằng một cái Tâm được thuần dưỡng, canh phòng và được trau đồi”(1).
Và như lời từ bi nhắc nhở của Đấng Cha Lành đến Đại đức Ananda:
“Hãy tập thiền này Ananda!
Không nên chậm trễ, e rằng con sẽ ân hận về sau!”.
Quả thật vậy, lành thay! Kính bạch Ngài Thiền Sư của chúng con cùng Quý hành giả thân mến!
Nếu không phải là thời khắc ngắn ngủi ấy – hành trình 10 ngày quý báu nhất đời con – thì lẽ chăng kiếp nhân sinh này chỉ là tạm bợ?!
Ngay lúc này đây, niềm vui sướng như len lỏi vào từng tế bào, từng nhịp đập và lâng lâng trong từng hơi thở, như muốn được sẻ chia đôi dòng “Chìa khóa vàng vào kho tàng Hạnh phúc” dưới sự dẫn dắt nhiệt tâm của Ngài Đại đức Thiền sư khả kính.
Vẫn còn thấy mồn một cái cảm giác khoan khoái, dễ chịu, ngây ngất… đâu đây. Cái cảm giác như đang lạc bước chốn Địa đàng. Green Forever Resort hiển hiện một màu xanh toàn hảo của tạo hóa, bao nhiêu những uế nhơ, khổ lụy, u uất… nơi thân tâm này như được thanh lọc! Những dục vọng trong con đang thét gào, làm con đớn đau, giờ đây như lắng lại, bất giác sự nhẹ nhàng, thanh thoát, mà nước mắt chực rơi! Lòng biết ơn vô hạn bởi phước duyên lành, được một người con Phật, dẫn hướng đến với khóa học của Ngài Thiền Sư.
Ngày đầu tiên với sự sẵn sàng, quyết tâm cao độ nhưng vẫn không tránh khỏi những vấp váp. Những cảm thọ khó chịu bắt đầu khởi sinh…, sự mệt mỏi, dã dượi trong tâm càng lúc càng thấm sâu. Con không thể nào tỉnh táo được nữa! Bởi lẽ đã gần 20h tinh tấn, nỗ lực, nghiêm trì giới luật, thậm chí tự thách thức bản thân, với lịch thiền của Ngài Đại Đức! Buổi trưa cũng không buồn nghỉ.
Tự cái thân này cũng không ngoan như trước, nó đang trách móc người chủ vô tình bạc nghĩa, đã phá bỏ lệ thường của thế gian! Hại nó suốt nhiều năm ròng rã, nó ứ trệ, kết cứng, đau đớn, nhức nhối đến buốt tận xương tủy. Nhất là cái lưng và hai đầu gối.
Chao ôi! Giờ cái tâm này mới tỏ rõ! Nhưng đâu dễ gì nó thấy biết và chịu chấp nhận sự thật. Ban đầu, nó còn lầm than:
“Thôi đi, tại sao phải tự hành hạ xác thân mình như thế! Ráng sức, cố gắng, nỗ lực, liệu có ích gì?… Hãy xả đi, hãy đứng dậy cho sướng, cho thoải mái cái thân và… rời bỏ nơi này (!?). Sự cố chấp, sân hận và ảo tưởng của ngươi đã làm ta phải thất điên bát đảo, nay còn bắt ta phải bất động, phục tùng theo ngươi nữa sao? Được rồi, ta sẽ cho ngươi toại nguyện!!!”.
Ức ức,… đau quá, khó thở quá! Sư ơi! Con không tài nào tập trung được nữa! Quá khứ như quay về, choáng ngợp lấy tâm con. Những hình ảnh xưa cũ cứ ẩn hiện, chập chờn, quẩn quanh, khi thì đẹp đẽ như thiên thần, rồi phút chốc tan biến, khi thì như Quỷ sứ, Dạ xoa, một cảm giác ớn lạnh, cứ rờn rợn gai óc.
Đôi mắt nhắm nghiền mà lệ cứ tuôn trào, tựa hồ vết thương đang rỉ máu.
Trời ơi, Ngài Thiền sư ơi, con phải làm gì đây? Xin hãy nói cho con biết! “Những nghiệp chướng này làm sao xóa bỏ? Làm sao để được tĩnh lặng, bình an?”. Con không muốn ngồi thiền nữa, nhưng con cũng không muốn về! Không ai chấp nhận con, kể cả gia đình (duy chỉ có một người, nhưng với họ con lại bị chi phối và dính mắc bởi tham ái). Con cô độc!
Ngài ơi! Con điên mất! Hãy cho con một liều thuốc ngay đi! Đại Đức ơi! Liệu con có thể thay đổi được nữa không? Sự tu Thiền này hữu tác nó đến đâu, với cái thân tâm một khi đã bị nhiều hoen ố … (?!)
Rã rượi, khát nước, bất giác con giật mình, mở mắt. Một không khí như tờ, vắng lặng, thiền đường không một bóng người. Nhìn vào khoảng hư vô qua khung cửa sổ, ánh sáng đã lùi xa, màn đêm đã phủ dày.
Con buông mình thượt dài trong khoảng lặng, mắt lại nhắm, lấy lại hơi thở. Con muốn bình tĩnh lại. Để rồi, thời Pháp thoại sau đó – một bài Pháp nhiệm màu.
Reeng … một hồi chuông báo dài, vang vọng. Con nhẹ nhàng rời giường, một giấc ngủ sâu đã giúp con lấy lại cân bằng, con chuyển bước khoan thai đến Pháp đường (nơi trình Pháp).
Bài Pháp ấy, như chiếc chìa khóa vạn năng, gieo vào con hạt mầm của sự sống:
“Hãy cảm nhận và nhìn vào sự thật chính là khổ, là vô thường.
Đừng chấp chặt, sự ‘dính mắc’ bao giờ cũng mang tới khổ đau!
Ai có thể sống được với quá khứ, cũng chẳng ai sống được với tương lai.
Ngày mai là cái chưa tới. Hiện tại chỉ là hơi thở.
Hãy chuyên chú, chớ có phóng dật!
Những ý niệm kia, mọi đau khổ, bi thương và lo nghĩ, tự khắc tan biến như mây khói. Khi đó, con sẽ cảm nhận được sự an tịnh, giống như bầu trời trong xanh vậy.”
“Hãy nhớ lại, điều gì làm cô tới đây?”
Vâng, đúng rồi, động cơ. Con muốn thoát ra khỏi trạng thái ghê tởm này. Con sợ cuộc sống, sợ con người, sợ tất thảy mọi điều…. Rỗng không, bất định, con biết nương tựa vào đâu? Không ai, không nơi nào?
“Không ai khác, chỉ chính cô!”
“Tất cả nhân loại máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn,
hạnh phúc hay khổ đau, bình an hay sợ hãi,…
tất cả những cảm xúc khổ vui đó, được hình thành tùy thuộc vào
sự quyết định, bởi trái tim và sự hiểu biết của cô!”
Cô có biết rằng, khi Đức Thế Tôn giác ngộ cho Angulimala:
“Loài rắn lột da cũ để thay thế da mới.
Loài người cũng có thể dựa vào những nỗ lực của bản thân
để thay đổi thân, tâm, thay da đổi thịt để được hồi sinh”.
“Nhẫn nại vượt qua những triền cái trong bể thiền, rồi cô sẽ cảm nhận được năng lực quý báu vốn tiềm ẩn trong nội tâm của cô”.
Con im lặng, lắng sâu, như nuốt từng lời.
Cô hãy hành theo Sư:
- Bước 1:Cô tập phát nguyện:
“Nguyện cho con được ngồi yên không nhúc nhích trong vòng 10 phút, nếu thành công được 10 phút rồi, thì cứ thế tiếp tục gia tăng dần lên 20 phút, 30, 40 phút”…
“Ngoài đời, cô cũng đầu tư nỗ lực hết mình vào nhiều thứ… Nhưng các thành quả lắm khi mang lại cho cô nhiều bất toại nguyện! Bao nhiêu uất hận, sầu lụy,… nó kết tập nơi thân cô. Chỉ có trong bể thiền cô mới thấy được thành quả tuyệt vời của mình! Những mỏi, tê, đau nhức ấy sinh khởi theo nhân duyên của chúng. Không ôm giữ, chấp chặt ngộ nhận cho chúng là của ta. Cũng không xua đuổi bởi vì chúng làm ta khó chịu. Cô đón nhận một cách mặc nhiên, không giận cũng không thương và cũng không làm nô lệ cho nó, rồi cô sẽ thấy sự kì diệu:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời, người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công. (2)
Rồi cô sẽ tự mình làm chủ, không một ai trên thế gian có thể điều hướng được cô!
Có một điều, cô cần lưu tâm, khi cô còn hôn trầm, hãy chú ý cân bằng thân tâm, buổi trưa cô nên thay đổi oai nghi nằm để tim được nghỉ ngơi và buổi tối cô nên nghỉ đúng giờ.”
- Bước 2: Chánh niệm.
“Những nghiệp quá khứ, chính là những cảm thọ mỏi, tê, đau, nhức… vẫn dai dẳng trong cô. Thực chất, cô phải cảm ơn chúng. Nếu các cảm thọ mỏi, tê… bất như ý này không xuất hiện thì chúng ta không thể biết những phiền não ở trong ta nơi nào để tiêu diệt chúng, phải không?
Đây là cơ hội vô cùng quý báu để cô phát huy tối đa năng lực buông xả của mình và tâm tâm, niệm niệm, đêm đêm, ngày ngày, buổi buổi. Tâm cô chỉ chuyên nhất trên hơi thở, với sự hay biết gió vào, gió ra ngay tại vùng mũi.
Ban đầu, sự dữ dội của những cảm giác,… tới mức nó sẽ khiến cô mất kiểm soát (có khi không thể duy trì được sự chánh niệm trên đề mục chính là hơi thở), đừng lo, chỉ cần “đau à! đau à!…” . Hay khi nào tâm cô thác loạn, suy nghĩ mông lung… chỉ cần “vọng tưởng à, vọng tưởng à”, câu thần chú này sẽ giúp cô lấy lại thế thượng phong.
Cứ như thế, liên tục, bền bỉ trau dồi, đối diện với chính mình, với bao não phiền ma quái… trá hình dưới dạng đau, nhức cả thân tâm.”
“Vâng, thưa Sư!” Con khẽ gật đầu mà lòng dấy lên sự xúc động, bởi lẽ sự bi mẫn của Người không những dành cho con mà còn với bất kỳ ai! Và những thời thiền sau đó
***++***
Đại Đức ơi! Vi diệu thay! Hạnh phúc thay! Lần đầu tiên trong cuộc đời, một cảm giác khinh an, nhẹ nhàng đến lạ lùng, lan tỏa khắp châu thân. Như tâm trạng mừng vui, sung sướng của một người vừa được thoát khỏi bẫy giam cầm sau chuỗi ngày bất tận!
Không còn nữa sự mỏi mệt, bất an hay sợ hãi của những cảm giác đau đớn hãi hùng! Đã qua rồi quá khứ, vị lai! Chỉ có nơi đây, giây phút này, một vùng ánh sáng dịu nhẹ phủ khắp.
Ngài Thiền Sư khả kính hoan hỉ, mỉm cười nhẹ:
“Sư chúc mừng cô!
Không có một ước nguyện chân thực nào mà không thành tựu.
Nhưng cô này, ánh sáng mà cô nhìn thấy, nó khởi điểm từ đâu?”
Con:
“Thưa, thưa Sư!
Con… con vẫn chưa rõ. Con chỉ biết là nó từ vùng xúc chạm.”
Lần này, Sư mỉm chi:
“Ở đời, cái gì mong cầu, đặt nhiều hi vọng chừng nào thì sự thất vọng, khổ đau cho chính mình càng nhiều chừng đó”.
“Sự thiền tập là của ta, còn ánh sáng hay những trạng thái hỷ lạc, hạnh phúc, an tịnh… đến khi nào là trách nhiệm của Pháp. Khi nước trong bình đến lúc đầy, tự khắc sẽ tràn ra, hà tất phải chờ mong”.
++++—+++
‘Điểm xúc chạm, điểm xúc chạm, ánh sáng tại điểm xúc chạm’, trên đoạn đường trở lại Thiền đường, con lặp đi lặp lại một hồi không dứt, và thế là…
Ngày kề cuối…
Sư ơi! Con làm được! Con đã làm được! Núi kim cương mà Người nói đây rồi! Nguồn an vui, tịnh lạc vô lượng, vô biên này, nó ở ngay trong con. Vậy mà, con cứ lang thang tìm kiếm tận nơi nào!
Quý hóa quá, phước lành cho con làm sao! Tự đáy lòng, con biết ơn Người lắm thay!. Một lần nữa, Ngài lại nhìn con một cách trìu mến, làn môi khẽ nhẹ, một nụ cười thánh thiện, thật tự tại, an nhiên:
“Như bầu trời đêm rằm, được rạng ngời đẹp đẽ với bao cảnh vật tự nhiên của đất, bởi sự tỏa chiếu dịu hiền của Mặt trăng, khi vừa thoát khỏi áng mây đen.”
Khép lại những dòng hồi ký, mà con vẫn không khỏi bồi hồi trong cảm xúc thiêng liêng khó tả. Trở lại với bụi trần của thế gian, nhưng những lời Pháp cao thượng của Người như ánh thái dương soi sáng mọi ngóc ngách tâm hồn con:
“Hãy giữ tâm như đất, vẫn âm thầm, nhẫn nại đón nhận tất cả những gì mà loài người trút bỏ lên nó. Để rồi đến lượt mình, hiến dâng đến con người những trái ngọt, những bông hoa tươi đẹp, ngát hương.”
Giờ đây, cuộc đời con đã chuyển sang một trang sử mới, đó là ánh sáng của trí tuệ, sự chơn thật và tình yêu thương.
Nhân đây, con xin chân thành hồi hướng tất cả những phúc lành mà chúng con đã tích lũy được qua 10 ngày tinh tấn thiền tập đến tất cả quý vị. Cũng như kính gửi lòng biết ơn sâu sắc đến các gia đình của quý Đại Thí Chủ kính mến. Với đại thiện tâm cao quý, Đại Thí Chủ đã hỗ trợ cho khóa Thiền chúng con về mọi phương diện quý báu… và nhất là chúng con có được một Thiên đàng nơi hạ giới – Forever Green resort đẹp tuyệt vời như trong giấc mộng, để chúng con có cơ hội thuận lợi tu tập, gặt hái nhiều kết quả tốt lành vô lượng như hôm nay:
* Nhất là Gia đình Cô Trương Thị Nhi- Tổng Giám đốc Forever Green Resort, tỉnh Bến Tre;
* Gia đình Cô Nguyễn Thị Thu Hương- Chủ tịch HĐQT Công ty Kềm Nghĩa;
* Gia đình Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung- Giám đốc Công ty Hương liệu Ếch Vàng;
* Gia đình Ông bà Thanh Hải- Thanh Trúc;
* Ông Trần Trọng Linh- Trưởng đoàn Đầu tư Questra tại Việt Nam;
* Ông Ngô Thành Nghĩa- Phó Giám đốc Trung tâm Cứu trợ Trẻ em tàn tật Thành phố Đà Nẵng;
* Gia đình Cô Ngô Thị Ngọc Tuyết, em Cẩm Tuyên (Devamani);
* Gia đình Cô Quý, Cô My Đà Nẵng…;
* Ông Phan Chí Tài- Pháp danh: Minh Phát (Tp. HCM) v.v…
Con xin chân thành tri ân đến tất cả quý vị trong Ban Tổ chức, Ban Hậu cần của Forever Green resort và tất cả quý vị thí chủ xa gần, trực tiếp hoặc gián tiếp, đã hỗ trợ cho tất cả hành giả chúng con có nơi tu học thuận tiện và tốt lành.
Ước mong, lịch sử được lặp lại và sẽ được tái ngộ với tất cả quý Đại thí chủ kính mến, cùng quý hành giả chúng ta vào lần sau nơi Forever Green resort này, như ý nghĩa của nó “Mãi xanh tươi”.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Arahan Đức Phật trọn lành!
Chú thích:
1Lời Thiền sư.
2Hồ Chủ Tịch.
- 1. Trần Thị Tuyết Nga (ung thư vú ác tính giai đoạn 2)
- 10. Đoàn Thị Xuân Nhãn (bệnh đau thắt lưng, stress,…)
- Bài Pháp 15: Dana Trong Thời Kỳ Có Phật Pháp Thịnh Hành Và Ngược Lại | Thiền sư – TS – ĐĐ Thiện Minh thuyết giảng
- Thiền Có Tác Dụng Đối Với Sức Khỏe Như Thế Nào?
- Bài 10: Chánh Niệm Trên Hơi Thở Vào, Hơi Thở Ra